|
Không lạm bàn về lòng đố kị trong muôn mặt cuộc sống, chỉ xin “điểm mặt” lòng đố kị chốn công sở, nơi mà hầu hết các anh các chị trong diễn đàn này là một phần trong đó, và đã từng bị đố kị hoặc trót sanh tâm đố kị.
Chúng ta vốn hay có xu hướng so sánh, hơn thua với những ai có cùng hoàn cảnh, điều kiện. Đồng nghiệp cùng cơ quan lại là những người cùng nhau trải qua 1/3 quỹ thời gian trong ngày, cùng nhau làm thuê cho một chủ, hẹp hơn nữa là cùng phấn đấu cho một mục tiêu công việc ngắn hạn nào đó, cơ hội và thời gian giao tế nhiều thì dĩ nhiên khả năng va chạm rồi nảy sinh ganh tị cũng không phải là ít. Từ những chuyện ganh tị vặt vãnh cho đến to tát, đều làm anh chị em công sở ít nhiều cảm thấy xấu hổ, bồn chồn, gai mắt, căm giận, muốn trả đũa …Lúc này không còn là ganh tị mà trở thành đố kị rồi, trở thành nguồn cơn cho vô vàn hình thức bạo hành công sở.
Trước những cái hơn người được lấy lý do để nuôi dưỡng lòng đố kị, thì có lẽ hơn về tài năng – giá trị cao nhất của con người, điểm xuất phát của quyền lợi vật chất, uy tín, thành công, địa vị … - là cái hơn dễ khiến người ta thấy khó chịu nhất. Các bạn trẻ trên con đường hoàn thiện vốn sống, xây dựng sự nghiệp, đều không ngần ngại cống hiến tài năng của mình hoặc không ngần ngại trừ khử những chướng ngại trên lộ trình thăng tiến.
Có lẽ không ai lạ gì chuyện một anh nhân viên nào đó “trót dại” có những đóng góp xuất thần trong buổi họp, để rồi tan họp thì những quan hệ thân tình thường ngày với đồng nghiệp cũng bị tan biến, những điếu thuốc hút vội ngoài hành lang, những ly café hàn huyên giữa trưa nắng nóng, những kẹo bánh nhăm nhi trong giờ làm… cũng tiêu biến từ đây, thay vào đó là những bất hợp tác vô cớ trong quá trình hoàn thành công việc của anh.
Tệ hơn, với các cô nhân viên nữ thì sự đố kị càng biểu hiện rõ rệt ra mặt. Vô tình nghe thấy cô đồng nghiệp kế bên ngọt ngào trong điện thoại với đối tác, … ghét. Đồng nghiệp sau thời gian sinh nở trở lại công ty lại được ngồi vị trí cũ, … dè bỉu. Sếp giao việc quan trọng cho đồng nghiệp cùng vị trí mà không giao cho mình, … căm tức. Cô nào áo váy túi xách mới, phơi phới xuân xanh, … gai mắt…
Với những đồng nghiệp “ngoan hiền” và tài năng thực sự đã thế, chứ với những ai quá ngạo mạn và thích làm ngôi sao thì khó mà dung thân. Hành vi trả đũa dễ thấy nhất là ngấm ngầm lập đồng minh, cô lập kẻ địch, có những phát biểu trù dập kẻ địch trước mặt sếp, đối tác nhưng được ngụy trang bằng những ngôn từ vô hại … ôi thôi là lắm trò nhiều chiêu. Với những ai khi những ngày đầu đặt chân đến công ty đã xác định “đứng chỗ khô” và duy trì mối quan hệ xã giao chừng mực, thì cũng không đảm bảo nỗi liệu có ngày sẽ bị “tạt bùn” vì chính sự khéo léo của mình hay không.
“Ai hơn thì ghét, ai kém thì khinh”
Đừng ngạc nhiên khi bạn đang thoi thóp trong sự đố kị của mọi người, thì bỗng một ngày đẹp trời nào đó, họ bỗng dịu đi hoặc “tha” cho bạn. Có thể một biến cố xấu hay điều bất hạnh nào đó của bạn làm họ cảm thấy đủ hả hê rồi. Đôi khi, kẻ đố kị chẳng ngờ rằng, cái mà mình nghĩ đối thủ hơn mình, lại do chính sự ganh tị nhỏ nhoi thổi phồng lên.
Cũng phải nhìn nhận rằng, căn bệnh đố kị khó chừa một ai, ngay cả với những người vốn có hiểu biết, học thức. Đồng thời, nguyên cớ và biểu hiện của sự đố kị ngày càng “nâng tầm”. Có bậc quản lý cấp trung, thấy cấp dưới giúp mình hoàn thành công việc một cách xuất sắc, bỗng … sinh lo, không cho can dự vào những phần việc quan trọng nữa, đề phòng bị qua mặt. Có vị giám đốc mới được bổ nhiệm, tiếp nhận nguyên ê kip nhân viên giỏi giang với guồng máy công việc suôn sẻ, bỗng … tự ái, tự nghi ngờ bản thân và cố gắng mang lại làn gió mới bằng việc cải tổ, thuyên chuyển, điều tiết …
Rõ ràng, không có cái tâm trong sáng, thì căn bệnh này dễ dàng cảm nhiễm vào chúng ta như những con virus lớn dần và ăn mòn giá trị bản thân. Dù chỉ mới là kém vui, bất an, khó chịu … hay đã thấy căm ghét, phẫn nộ, muốn trả đũa … thì cả người bị đố kị và người sanh lòng đố kị đều mệt mỏi, căng thẳng, đời sống xáo trộn, và dễ thấy nhất là công việc xao nhãng. Thay vì tìm sự cộng hưởng và phối hợp nhịp nhàng trong công việc để đạt mục tiêu chung, họ lại chối bỏ. Thay vì quan sát và học hỏi kiến thức chuyên môn của đồng nghiệp để làm giàu cho bản thân, họ lại chẳng quan tâm. Kết quả là cá nhân yếu kém mà tập thể cũng rỗng nát.
Từ những vấn đề nêu trên, xin đừng vội bi quan thốt lên “công sở sao lắm cạm bẫy”
Bản chất của việc so sánh là tích cực, giúp con người có xu hướng phân biệt và nhận thức bản thân rõ hơn, để tìm ra cách phát triển đúng đắn, đừng gắn cái đuôi đố kị tiêu cực vào nó. Hãy xem sự tự tin, kiêu hãnh của đồng nghiệp là một liều thuốc kích thích cho mình, thôi thúc mình cạnh tranh công bằng. Hãy học cách cảm ơn, tán dương, thưởng thức tài năng của người khác để tập tránh xa con ma đố kị. Cần hiểu rằng, những gì người khác đạt được, bất kể bằng tài năng thực sự hay bằng luồn cúi mánh mung, thì họ cũng đều đánh đổi bằng nhiều thứ. Bản thân mình phải đủ hiểu biết và tỉnh táo để phân biệt, lựa chọn.
Bạn đang chán nản vô cùng tận vì làm nạn nhân của các vụ chơi khăm không cách nào xoa dịu, lại không cam tâm ra đi, thì hãy nghĩ rằng những kẻ vắt óc nghĩ ra những trò chơi khăm bạn, họ còn bất hạnh và đáng thương gấp ngàn lần. Đừng vì phút chốc phẫn nộ mà thỏa hiệp với họ bằng những hành động trả đũa tương tự. Hãy cố gắng cảnh giác và tập trung cho công việc, chan hòa đến mức có thể, duy trì trạng thái tinh thần cân bằng. Đồng thời, dù đóng góp của bạn cho công ty có vĩ đại cỡ nào, cũng nên cố gắng khẳng định nó bằng môi trường tập thể, bằng sự tôn vinh lẫn nhau.
Nguồn: http://chavame.com/forum/showthread....4ng-s%E1%BB%9F
Liên hệ Ban quản trị Hr Share - Mr Cường : Điện thoại: 0988833616 | Mail: tailieunhansu.com@gmail.com . Bạn muốn tìm kiếm thêm thông tin về các vấn đề Nhân sự. Vui lòng click tại đây để tìm kiếm thêm: http://kinhcan.net/ Đây là công cụ tìm kiếm được tích hợp tìm kiếm khoảng 30 site chuyên về nhân sự. Chi tiết vui lòng click tại đây: Kinhcan24′s Search; Blog Quản trị Nhân sự; Luận văn Quản trị Nhân sự