|
Chính sách tiền lương ở Việt Nam: Những bài toán phải giải khi gia nhập WTO
Thời điểm gia nhập WTO cận kề đang đặt chính sách tiền lương Việt
Nam trước yêu cầu bắt buộc phải cải cách nhằm bảo đảm tính cạnh tranh của thị trường lao động, đồng thời bảo vệ được quyền lợi của người lao động trong hoàn cảnh mới.
Ba đặc thù của lương tối thiểu ở Việt Nam
"Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất trên thế giới còn xác định mức lương tối thiểu theo thành phần sở hữu" - đó là nhận xét của ông Chang Hee-Lee, chuyên gia cao cấp của Tổ chức Lao động thế giới (ILO), tại hội thảo “Chính sách tiền lương trong tiến trình hội nhập quốc tế”(*) về thực trạng phân biệt mức lương tối thiểu giữa các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam. Ông cho biết, trên thế giới hiện phổ biến ba hình thức lương tối thiểu: lương tối thiểu duy nhất chung cho cả nước, lương tối thiểu theo ngành nghề, và lương tối thiểu theo vùng. Việt Nam là trường hợp ngoại lệ, bởi các doanh nghiệp nhà nước đang áp dụng mức lương tối thiểu thấp hơn các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Theo ông Tim de Meyer, chuyên gia của ILO, đây chính là cách trợ cấp gián tiếp cho doanh nghiệp trong nước và có thể bị xem xét như một yếu tố phân biệt đối xử trong kinh doanh khi Việt Nam gia nhập WTO.
Mức lương tối thiểu đối với từng loại hình doanh nghiệp:
- Đối với doanh nghiệp nhà nước, áp dụng mức thấp nhất bằng mức lương tối thiểu chung và cao nhất bằng ba lần mức lương tối thiểu chung (tại thời điểm hiện nay từ 290.000 đến 870.000 đồng/tháng; từ 1-10-2005 trở đi là từ 350.000 đến 1.050.000 đồng/tháng).
- Đối với doanh nghiệp tư nhân, không được trả thấp hơn mức lương tối thiểu chung (tại thời điểm hiện nay không thấp hơn 290.000 đồng/tháng; từ 1-10-2005 trở đi không thấp hơn 350.000 đồng/tháng).
- Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, không được trả thấp hơn từ 487.000 đồng đến 626.000 đồng/tháng tùy theo khu vực (mức này đã không thay đổi kể từ năm 1999-PV)
(Nguồn: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)
Một đặc thù khác, theo ông Jonnathan Pincus, chuyên gia kinh tế cao cấp của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc UNDP, là, lương tối thiểu ở Việt Nam có quá nhiều ràng buộc với hệ thống an sinh. Nếu như ở các nước, lương tối thiểu gắn với yếu tố lạm phát, thường được điều chỉnh kịp thời dựa trên những thay đổi về chỉ số giá sinh hoạt, thì ở Việt Nam, lương tối thiểu còn là cơ sở để điều chỉnh lương hưu, trợ cấp, bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc… "Dường như các bạn đang cố gắng đạt được quá nhiều từ một công cụ. Điều này có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường về mặt ngân sách nhà nước"- ông nói. Chính vì lẽ đó, trong khi nhiều nước có thể điều chỉnh mức lương tối thiểu định kỳ hằng năm cho phù hợp với biến động của thị trường, thì Việt Nam không thể làm được điều này vì như vậy là đặt lên vai ngân sách một gánh nặng quá lớn. Riêng cho đợt điều chỉnh lương đợt 1-10 tới, dự kiến ngân sách sẽ phải chi thêm khoảng 7.000 tỷ đồng.
Về phía các đại biểu Việt Nam, họ đều chung ý kiến, mức lương tối thiểu như hiện nay (290.000 đồng/tháng, và từ 1-10-2005 là 350.000 đồng/tháng) trên thực tế chưa bảo đảm được mức sống dù là “tối thiểu” như đúng nghĩa của nó. Theo ông Chang Hee-Lee, lương tối thiểu quá thấp sẽ hạn chế động lực làm việc, là nguyên nhân của năng suất thấp. Mọi người vẫn làm việc vì họ không còn sự lựa chọn nào khác còn xã hội sẽ trở thành xã hội “làm việc nhưng vẫn nghèo”. Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, số người thực sự có thu nhập bằng đúng lương tối thiểu rất ít, chỉ là vài phần trăm lao động trong khu vực doanh nghiệp dân doanh. Còn trên thực tế, thu nhập thấp nhất của lao động trong khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng đã đạt 550.000 đồng/tháng.
Lộ trình nào cho cải cách chính sách tiền lương ở Việt Nam?
Ông Huân nhận xét, dù đã qua bốn lần cải cách, nhưng đến nay chính sách tiền lương vẫn còn nhiều bất cập. Ngoài vấn đề mức lương tối thiểu thấp và phân biệt giữa các loại hình doanh nghiệp, còn có vấn đề tiền lương vẫn mang nặng tính bình quân, chưa thực sự gắn với năng suất lao động và hiệu quả sản xuất kinh doanh, chưa trở thành nguồn thu nhập chính của người lao động. Cũng giống như các chuyên gia kinh tế cao cấp của UNDP, ILO có mặt tại hội thảo, ông Huân cho rằng, thời điểm gia nhập WTO là thời điểm thích hợp để Việt Nam có những cải cách mạnh mẽ về tiền lương.
“Trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, có những lao động trình độ thấp nhưng lại được trả lương cao hơn giá thị trường; và ngược lại, có những lao động trình độ cao bị trả lương thấp hơn giá thị trường.”
Ông Phạm Minh Huân, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Trước những bức xúc về mức lương tối thiểu còn thấp, có thể nói là thấp nhất trong khu vực hiện nay, ông Huân nhấn mạnh, với năng lực hạn chế của nền kinh tế, chúng ta chỉ có thể nâng dần mức lương tối thiểu cho sát với thực tế mức sống mà thôi. Bên cạnh đó, một điều cũng phải tính là khi tăng mức lương tối thiểu có thể dẫn đến chỗ các cơ sở sản xuất nhỏ phải đóng cửa, đồng thời sẽ khó khăn hơn cho tạo ra việc làm mới. Cùng quan điểm này, ông Tim de Meyer phát biểu, ở các nước phát triển, việc thay đổi mức lương tối thiểu không gây ra xáo trộn gì đáng kể. Nhưng ở Việt Nam, nơi mỗi năm có 1,5 triệu người gia nhập thị trường lao động, thì cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa vấn đề việc làm và lương (nhiều việc làm với mức lương thấp hay lương cao hơn nhưng thất nghiệp cũng nhiều hơn).
Tuy vậy, ông Huân cho biết, việc tiến đến áp dụng thống nhất mức lương tối thiểu cho các loại hình doanh nghiệp được coi như một mục tiêu cụ thể của cải cách tiền lương trong giai đoạn này, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2008- 2009. Cùng với đó, sẽ xây dựng mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo ngành thông qua thoả ước lao động; thậm chí sẽ công bố mức lương tối thiểu theo giờ, theo ngày đối với một số ngành cụ thể.
Cũng theo ông Huân, sắp tới, cải cách tiền lương sẽ được tiến hành theo hướng giảm dần các yếu tố can thiệp của Nhà nước và tăng cường sự tự chủ của các doanh nghiệp trong việc trả lương. Điều này có nghĩa là công đoàn phải nâng cao vai trò hiệp thương và bản thân người lao động phải tự nâng cao khả năng đàm phán của mình.
Đó cũng là lý do tại sao tại hội thảo, các diễn giả đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu phổ biến thông tin đến người lao động. Theo ông Pincus, cần có những cuộc điều tra thường xuyên để người dân được tiếp cận các con số liên quan đến thị trường lao động và nắm được thông tin về tiền lương của một số ngành nghề mà họ sẽ dùng như tư liệu tham khảo khi ký kết hợp đồng lao động.
Các đại biểu nước ngoài cũng lưu ý, để cải cách tiền lương ở Việt Nam đạt hiệu quả cao, cần kết hợp với việc xây dựng hệ thống bảo hiểm tốt nhằm đối phó với nạn thất nghiệp có thể sẽ xảy ra thường xuyên trong tương lai và có những cải cách phù hợp về thuế thu nhập.
(*) Hội thảo do Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội phối hợp Tổ chức Lao động quốc tế ILO và Chương trình Phát triến Liên Hợp Quốc UNDP tổ chức tại Hà Nội ngày 23-9.
-Mức lương tối thiểu ở 20% các nước có lương tối thiểu thấp nhất là 57 USD theo sức mua ngang giá (PPP)/tháng, ít hơn 2USD/ngày theo tiêu chuẩn nghèo.
-Mức lương tối thiểu ở 20% các nước có lương tối thiểu cao nhất là 1185 USD PPP/tháng, khoảng 40 USD PPP/ngày. Kết quả này giao động từ 1 đến 21 nhóm giữa các nước có lương tối thiểu thấp nhất và cao nhất.
-Mức lương tối thiểu trung bình trên thế giới là 213 USD PPP/tháng hoặc 7USD/ngày; 50% số nước trên thế giới có lương tối thiểu ít hơn con số trên.
(Nguồn: Tổ chức Lao động thế giới ILO)
Báo Nhân dân
Nguồn: http://www.hrlink.vn/diendan/index.php?showtopic=151
Liên hệ Ban quản trị Hr Share - Mr Cường : Điện thoại: 0988833616 | Mail: tailieunhansu.com@gmail.com . Bạn muốn tìm kiếm thêm thông tin về các vấn đề Nhân sự. Vui lòng click tại đây để tìm kiếm thêm: http://kinhcan.net/ Đây là công cụ tìm kiếm được tích hợp tìm kiếm khoảng 30 site chuyên về nhân sự. Chi tiết vui lòng click tại đây: Kinhcan24′s Search; Blog Quản trị Nhân sự; Luận văn Quản trị Nhân sự