|
Trước tiên, xin giải thích lý do tại sao tôi đặt cụm từ “đánh giá nhân viên” trong dấu ngoặc kép. Hiện nay, vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp còn dùng cụm từ này và có Quy trình đánh giá nhân viên. Chính vì vậy, không ít nhà quản lý đã xem nhân viên là đối tượng đánh giá, nghĩa là chúng ta đã đi đánh giá bản thân nhân viên ( cá tính, thói quen, cách giao tiếp, mối quan hệ,…) thay vì đánh giá những cống hiến của nhân viên. Đây chính là sai lầm. Và tôi muốn thống nhất với bạn trước khi đi vào nội dung bài viết này là: chúng ta không nên đánh giá nhân viên mà nên đánh giá những gì nhân viên đã và sẽ cống hiến cho doanh nghiệp vì mục tiêu của doanh nghiệp. Nghĩa là đối tượng đánh giá là những gì nhân viên làm được và có thể làm được nhằm thực hiện mục tiêu của doanh nghiệp. Việc đánh giá này, gọi là “Đánh giá năng lực và thành tích”.
Vậy năng lực và thành tích là gì?
Thành tích: là những gì ta đạt được. Đánh giá thành tích chính là đánh giá hiệu quả công việc. Hiệu quả công việc phản ảnh hiện thực, cái đã có, đã hoàn thành. Vì vậy, đánh giá hiệu quả công việc tức là đánh giá hiện tại.
Năng lực: là kiến thức, kỹ năng, thái độ làm việc của nhân viên. Đánh giá năng lực là đánh giá những giá trị tiềm ẩn bên trong nhân viên. Hay nói cách khác, đánh giá năng lực là đánh giá tương lai. (Nếu một nhân viên có năng lực tốt, được đặt đúng vị trí với điều kiện làm việc phù hợp thì sẽ có hiệu quả công việc tốt).
Tại sao ta cần đánh giá năng lực và thành tích?
Nếu đánh giá thành tích làm cơ sở để trả lương, xét tăng lương, thưởng cuối tháng, cuối năm thì đánh giá năng lực là cơ sở để hoạch định nguồn nhân lực (lập kế hoạch đào tạo và phát triển, thuyên chuyển, bổ nhiệm,…), là thước đo để ta dự báo trước khả năng hoàn thành mục tiêu công việc của nhân viên, mục tiêu của doanh nghiệp, là cơ sở để trả lương theo năng lực.
Ta nên đánh giá như thế nào?
Đánh giá thành tích: sau khi đã xây dựng được Bộ thông tin công việc tốt (tham khảo thêm bài “Thông tin công việc – Tơ hồng gắn kết doanh nghiệp & nhân viên), dựa vào tiêu chí hoàn thành công việc, ta đánh giá được thành tích của nhân viên.
Đánh giá năng lực: tương tự như đánh giá thành tích, chúng ta không đánh giá năng lực chung chung mà đánh giá năng lực cụ thể của từng nhân viên ứng với từng vị trí công việc theo tiêu chuẩn năng lực đã xây dựng. Vì chỉ có như vậy, việc đánh giá năng lực và thành tích mới đáp ứng mục tiêu của doanh nghiệp và phát triển nguồn nhân lực.
Quy trình đánh giá:
Để đảm bảo việc đánh giá được công bằng, minh bạch, quy trình đánh giá cần chia thành ít nhất 03 bước.
Bước 1: Nhân viên tự đánh giá. Hãy để cho nhân viên độc lập suy nghĩ và đánh giá chính mình, được nêu lên những nguyện vọng, ý kiến cá nhân dựa trên những tiêu chí đã thống nhất trước.
Bước 2: Song song và đồng thời với bước 1, nhà quản lý thực hiện đánh giá năng lực và thành tích của nhân viên. Điều này có nghĩa là, cấp quản lý và nhân viên cùng đánh giá trên những tiêu chí như nhau nhưng khi đánh giá, cấp quản lý không xem xét kết quả tự đánh giá của nhân viên để tránh bị “định hướng” trước kết quả đánh giá.
Bước 3: Đối chiếu kết quả đánh giá và trao đổi với nhân viên.
Đây là bước quan trọng nhất nhưng không nhiều nhà quản lý làm tốt. Nếu kết quả đánh giá của nhân viên và cấp quản lý giống nhau là điều quá lý tưởng nhưng khả năng này khó xảy ra, còn không giống nhau là chuyện hết sức bình thường. Vì ở 02 vị trí khác nhau, góc nhìn khác nhau đương nhiên đưa đến những nhận định không giống nhau.
Quá trình đối chiếu kết quả đánh giá với nhân viên, giúp nhà quản lý hiểu được trình độ nhận thức, nguyện vọng,… của nhân viên và xem xét sự phù hợp với mục tiêu doanh nghiệp. Nếu kết quả giống nhau, nghĩa là 2 “tư tưởng” lớn đã gặp nhau, mục tiêu của doanh nghiệp chắc chắn sẽ được thực hiện tốt và cũng có nghĩa là bạn đang sở hữu một đội ngũ rất tốt. Ngược lại, bạn cần giải thích rõ với nhân viên tại sao mình đánh giá khác, cần cho nhân viên biết bạn muốn thay đổi như thế nào cho phù hợp,… Đây là cơ hội để bạn giúp nhân viên hiểu mình và tự hoạch định lộ trình phát triển cho bản thân.
Khi đã thấu hiểu nhau, chắc chắn nhân viên sẽ tâm phục, khẩu phục với đánh giá của bạn.
Khi nào cần đánh giá?
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ đánh giá năng lực và thành tích vào dịp cuối năm, làm cơ sở xét thưởng và tăng lương. Tuy nhiên, theo tôi, doanh nghiệp nên đánh giá thường xuyên, định kỳ hàng tháng hoặc ít nhất 3 tháng/lần để đảm bảo bám sát mục tiêu của doanh nghiệp và các giá trị phần thưởng. Nếu định kỳ đánh giá quá dài (1 năm/lần) thì chúng ta không còn cơ hội để điều chỉnh và ý nghĩa khuyến khích của phần thưởng cũng không còn đầy đủ giá trị. Đó là chưa kể, để lâu, chúng ta dễ bị “quên” thành tích nhưng lại có nguy cơ “nhớ” rất rõ lỗi của nhân viên làm ảnh hưởng đến kết quả đánh giá.
Nếu bạn thực hiện đánh giá như trên là vẹn cả không chỉ 2 mà 3 – 4 đường rồi.
Kim Thủy
www.kynangmem.org
Liên hệ Ban quản trị Hr Share - Mr Cường : Điện thoại: 0988833616 | Mail: tailieunhansu.com@gmail.com . Bạn muốn tìm kiếm thêm thông tin về các vấn đề Nhân sự. Vui lòng click tại đây để tìm kiếm thêm: http://kinhcan.net/ Đây là công cụ tìm kiếm được tích hợp tìm kiếm khoảng 30 site chuyên về nhân sự. Chi tiết vui lòng click tại đây: Kinhcan24′s Search; Blog Quản trị Nhân sự; Luận văn Quản trị Nhân sự