|
(GDVN) - Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, khu vực làm việc nhà nước hiện nay ngày một đắt giá hơn, nhất là khu vực hành chính ban phát, cung cấp tiền, lương...
Những ngày qua thông tin thi tuyển công chức, viên chức tại Cục Thuế Hà Nội và TP.HCM với lượng hồ sơ nộp gấp tới gần 20 lần số vị trí cần tuyển thu hút sự quan tâm lớn của dư luận.
Theo đó, Cục thuế Hà Nội chỉ tuyển 340 chỉ tiêu nhưng nhận tới 9.000 hồ sơ thi tuyển trong khi TP.HCM tiếp nhận khoảng 5.000 ứng viên cho 540 vị trí tuyển.
Hình ảnh đoàn người hàng dài xếp hàng dưới cái nắng hè chờ đợi đến lượt nộp hồ sơ trước cổng Cục Thuế Hà Nội và TP.HCM không khỏi khiến nhiều người bất ngờ. Bất ngờ bởi lâu nay lương công chức, viên chức khu vực nhà nước vẫn được xem là thấp hơn rất nhiều so với khu vực tư nhân.
Hàng nghìn lượt thí sinh nộp hồ sơ thi tuyển công chức tại Cục thuế Hà Nội, số 187 Giảng Võ (ảnh nguồn Tri Thức Trực Tuyến).
Với số lượng hồ sơ nộp và chỉ tiêu xét tuyển đề ra thì riêng Hà Nội, nếu 9.000 hồ sơ cùng thi tuyển để tuyển chọn 340 chỉ tiêu đồng nghĩa với việc trong khoảng 26 người mới chọn ra được 1 ứng viên, tỷ lệ “chọi” 1/26, còn tỷ lệ “chọi” vào thi vào Cục Thuế TP.HCM sẽ là 1/9.
Vì sao ngành thuế hấp dẫn ứng viên?
Đứng trên khía cạnh chuyên môn, một chuyên gia tuyển dụng đào tạo nhân sự (xin được giấu tên) cho rằng, số người tham gia thi tuyển lớn hơn số vị trí tuyển dụng càng nhiều càng tốt. Theo đó nhà tuyển dụng (ở đây là Cục Thuế Hà Nội và TP.HCM) sẽ càng có nhiều cơ hội sàng lọc lựa chọn ra những ứng viên xuất sắc.
Tuy nhiên, ở đây cần nhấn mạnh cuộc thi tuyển phải diễn ra một cách công bằng, bình đẳng.
“Lâu nay câu chuyện thi tuyển công chức viên chức ở khu vực nhà nước vẫn bị dư luận nghi vấn xảy ra tiêu cực theo kiểu “con ông cháu cha” hoặc chuyện chạy chọt xin việc. Vì vậy lúc này tỉ lệ “chọi” bao nhiêu thì khó ai có thể biết được, cơ hội người ứng tuyển cũng mong manh hơn”, vị chuyên gia này nhận định.
Ở khía cạnh tiền lương, mâu thuẫn dù lương thấp nhất là cán bộ trẻ mới công tác nhưng sức hút từ ngành thuế tại sao lại lứn như vậy? Lý giải điều này, trao đổi với phóng viên, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong, cho rằng có ba nguyên nhân chính dẫn đến việc ngành thuế thu hút lượng lớn:
Thứ nhất vào biên chế nhà nước vẫn là đích đến của nhiều người, nhiều gia đình, điều này thể hiện sức hút việc làm khu vực nhà nước. Thứ hai tuy không nói ra nhưng nhiều người nghĩ ngay đến việc ngành thuế mang lại thu nhập cao, nhiều tiền. Thứ ba tình hình kinh tế khó khăn hiện nay khiến tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân phá sản nhiều. Nếu không phá sản, doanh nghiệp tư nhân co cụm sản xuất vì thế không tuyển nhân sự.
Ngoài ra, theo TS Nguyễn Minh Phong do Hà Nội và TP.HCM có cơ chế tuyển dụng thông thoáng không quy định vấn đề hộ khẩu mà quan trọng thu hút người tài có năng lực. Vì vậy không ít ứng viên đến từ các tỉnh, tốt nghiệp loại giỏi tại các trường đại học có tiếng.
“Cơ chế tuyển dụng thông thoáng, số lượng tuyển chọn gần 900 nhân sự cũng không phải nhỏ. Cũng không nói riêng ngành thuế, nhiều ngành khách tại Hà Nội khi tuyên bố tuyển nhân sự thu hút rất đông người nộp hồ sơ tham gia thi tuyển”, TS Nguyễn Minh Phong nói.
Công chức nhà nước: Đích đến của nhiều người
Cũng liên quan đến vấn đề tuyển dụng nhân sự trong ngành thuế trên bình diện xã hội, PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Giám đốc Trung tâm dư luận xã hội và truyền thông đại chúng, chuyên gia tư vấn các vấn đề xã hội Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, con số hồ sơ thi vào ngành thuế lớn gấp nhiều lần cho thấy vị trí làm việc trung khu vực công quyền các cơ quan nhà nước đang trở nên “béo bở” khác hẳn với thời kỳ đầu khi mới chuyển sang cơ chế thị trường, khi đó khu vực nhà nước vẫn bị coi là lương thấp, gò bó…
Theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình, khu vực làm việc nhà nước hiện nay ngày một đắt giá hơn, nhất là khu vực hành chính ban phát, cung cấp tiền, lương, khu vực nhạy cảm liên quan đến tiền. Trong bối cảnh đó ngành thuế nổi lên như một ngành hay nhất, hấp dẫn nhất.
“Điều này hoàn toàn ngược với thời bao cấp khi tư tưởng “trọng nông ức thương”, khi đó người làm việc trong khuc vực nhà nước như bán hàng bị coi thấp hơn. Tuy nhiên hiện nay vị trí tuyển dụng như vậy lại hấp dẫn và trở thành tiêu chí làm việc của nhiều người, điều này chứng tỏ định hướng giá trị công việc đã thay đổi”, PGS.TS Trịnh Hòa Bình cho biết.
Phân tích vấn đề, PGS.TS Trịnh Hòa Bình nhận định, ngay cả người thi tuyển vào ngành thuế họ nghĩ ngay đến việc ngành thuế cho thu nhập cao. Ngoài lương bằng cách này cách kia vẫn có những thu nhập khác, quyền lợi khác. Giá trị vật chất, quyền lợi, địa vị xã hội là những tiêu chí được xét đến đầu tiên, cả 3 yếu tố trên ngành thuế có thể mang lại chính vì vậy nó lý giải tại sao hồ sơ thi tuyển vào ngành thuế lại lớn như vậy.
Cũng nhìn vào con số ứng viên nộp vào ngành thuế, là nhà nghiên cứu khoa học PGS.TS Trịnh Hòa Bình không khỏi chạnh lòng khi nhiều gia đình khi định hướng cho con học chuyên nghiệp tại các trường đều tính đến vấn đề thu nhập, vấn đề địa vị xã hội thay vì những giá trị vật chất khác. Trong khi nhìn lại các ngành học xã hội thường ít nhận được sự quan tâm.
Liên hệ Ban quản trị Hr Share - Mr Cường : Điện thoại: 0988833616 | Mail: tailieunhansu.com@gmail.com . Bạn muốn tìm kiếm thêm thông tin về các vấn đề Nhân sự. Vui lòng click tại đây để tìm kiếm thêm: http://kinhcan.net/ Đây là công cụ tìm kiếm được tích hợp tìm kiếm khoảng 30 site chuyên về nhân sự. Chi tiết vui lòng click tại đây: Kinhcan24′s Search; Blog Quản trị Nhân sự; Luận văn Quản trị Nhân sự