Bạn ghé thăm diễn đàn lần đầu? hãy đăng ký ngay bây giờ để tham gia.
  • Login:

Chào mừng đến với HR Share | Cộng đồng Nhân sự | Dien dan Nhan su Viet Nam.

+ Trả lời Chủ đề + Viết chủ đề mới
Kết quả 1 đến 1 của 1
  1. #1
    Thành viên có quyền đầy đủ

    Ngày tham gia
    Jan 2013
    Bài viết
    138
    Tài liệu đã gửi
    85
    Tài liệu được mua
    364
    Tài liệu đã mua
    0
    Mã số thành viên
    43,223
    Tài khoản hiện có
    2,335 Xu

    Làm cho Nhà nước, làm cho tư nhân





    Làm cho Nhà nước, làm cho tư nhân

    (TBKTSG) - Tổng giám đốc một công ty chuyên về nguồn nhân lực đã từng nhận xét: “Ai đã làm ở khu vực nhà nước thì không thể làm nổi ở khu vực tư nhân hoặc công ty nước ngoài. Ngược lại, ai đã ở khu vực tư nhân thì khó thích nghi với khu vực nhà nước”. Tôi lại nghĩ khác.

    Hơn 20 năm trước, sau tám năm làm ở một cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh một tỉnh miền Nam Trung bộ, tôi vào thành phố và làm quản trị viên cấp trung tại một công ty tư nhân sản xuất hàng tiêu dùng thuộc loại hàng đầu Việt Nam lúc ấy. Quả thật, nhiều năm làm việc trong môi trường không đòi hỏi cao, thậm chí có thể ra quán cà phê thoải mái trong giờ hành chính, ban lãnh đạo công ty cứ tưởng tôi không thể chịu nổi áp lực rất cao tại một doanh nghiệp tư nhân. Nhưng rồi tôi cũng quen.

    Ở doanh nghiệp này, lãnh đạo công ty rất quan tâm đổi mới, đặc biệt là xây dựng và hoàn thiện chế độ quản lý.

    Họ nhìn trước được những thách thức của tương lai nên chủ động thay đổi hệ thống. Nhiều sáng kiến cải tiến mà tôi từng quan sát, chiêm nghiệm khi đi đây đi đó trước kia nhanh chóng được lãnh đạo công ty đưa vào triển khai trong thực tế. Nhưng khi tiền lương của đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao (trong đó có tôi sau bốn năm làm việc) khá... “nặng túi”, người ta bắt đầu tính chuyện thuê người mới để trả ít tiền hơn và cũng để có thêm những đề xuất mới khi mà những người cũ không còn nhiều ý tưởng nữa. Vậy là tôi làm đơn xin nghỉ việc để tránh cái cảnh “một thời để yêu và một thời để chết”. Rồi tôi qua một công ty tư nhân rất nổi tiếng khác, nhưng không hợp văn hóa đao to búa lớn của họ. Một năm sau, tôi lại... tung cánh chim!

    Rời công ty tư nhân thứ hai, tôi bước chân vào công ty X, một doanh nghiệp nhà nước nổi tiếng trong ngành dệt may thời đó.

    Mấy ngày đầu tiên, tôi lân la làm quen đồng nghiệp mới, hỏi một cô nhân viên phòng kế hoạch: “Em làm ở đây lâu chưa?”. Cô đáp bằng cái giọng miền Nam ngọt xớt: “Dạ mới 11 năm thôi anh à!”. Hỏi nhiều người khác thì cũng tương tự, mới làm có 12-15 năm là bình thường! Tôi sững sờ vì ở hai công ty tư nhân tôi làm việc trước đó, trừ đội ngũ công nhân trực tiếp, còn thâm niên của nhân viên gián tiếp thì trung bình chỉ 2-3 năm.

    Vậy, khác biệt đầu tiên giữa khu vực nhà nước và khu vực tư nhân là làm nhà nước ít thay đổi công việc hơn (mà người ta hay nói là ổn định). Ở các công ty nhà nước lâu năm, không ít người gắn bó cả cuộc đời với doanh nghiệp, khi về hưu còn xin cho con “một suất” để kế nghiệp mình. Trải nghiệm của tôi cho thấy quan hệ cư xử trong doanh nghiệp nhà nước có phần tình cảm hơn các công ty tư nhân, nhất là vào các dịp lễ, Tết, đặc biệt là ngày lễ Lao động 1-5.

    Do đội ngũ nhân sự ở doanh nghiệp nhà nước ít thay đổi nên doanh nghiệp gặp trở ngại trong đổi mới, đặc biệt là đổi mới nhân sự, đó là chưa nói đến tình trạng con ông cháu cha. Do mọi người làm việc theo thói quen, thành lối mòn nên rất khó áp dụng cái mới nếu thiếu “quyết tâm chính trị” từ ban lãnh đạo cao cấp của công ty.

    Cũng may là lúc ấy tôi được lọt vào mắt xanh của tổng giám đốc - một người đầy bản lĩnh, có tầm nhìn xa và tinh thần đổi mới rất cao - nên nhiều đề xuất của tôi trở thành chính sách, quy định của công ty.

    Tôi cũng nhận ra nếu không thuộc diện cận kề lãnh đạo, tức người mới từ bên ngoài vào mà là cấp thấp thì rất khó trụ trong môi trường như thế, vì các đề xuất cải tiến thường khó lọt qua cửa cấp quản lý trực tiếp để đến cấp cao hơn. Họ dễ sinh chán nản và nghỉ việc.

    Ở doanh nghiệp nhà nước, tư duy làm kiểu công chức còn khá nặng. Đồng hồ là cái mọi người hay nhìn, cứ đến gần giờ về là đa số lo “thu dọn chiến trường”, chờ tiếng chuông reo là “em tan trường về”.

    Trong khi đó, ở công ty tư nhân thì theo tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”. Tuy vậy, tôi biết nhiều công ty tư nhân lạm dụng tinh thần này để ép người lao động, nhất là đội ngũ quản lý. Giới chủ thường nói làm hết việc là trách nhiệm của cấp quản lý, đã hưởng lương trách nhiệm thì không tính làm thêm giờ, chỉ tính cho nhân viên. Theo tôi, làm hết việc chứ không hết giờ chỉ đúng khi trong tháng có 5, 7 ngày làm việc, họp hành đến 8 giờ tối thì cũng có đôi ba ngày ít việc được về sớm lúc 3, 4 giờ để thư giãn. Chứ ngày nào cũng đầu tắt mặt tối đến 7, 8 giờ tối mà không tính tiền làm thêm giờ thì lại là chuyện quan hệ lao động chứ không phải là thể hiện tinh thần “làm hết việc chứ không làm hết giờ”.

    Câu chuyện của tôi cho thấy không hoàn toàn là ai đã ở khu vực tư nhân thì sẽ khó thích nghi với khu vực nhà nước, và ngược lại. Cũng không hẳn là từ khu vực tư nhân này thì sẽ nhanh chóng hòa nhập được ngay với khu vực tư nhân khác. Câu chuyện của tôi cũng ít nhiều phản ảnh phần nào ưu khuyết điểm trong quản lý và dùng người của các doanh nghiệp Việt Nam, cả tư nhân lẫn Nhà nước.

    Nguyễn Thiện | thesaigontimes.vn
    Liên hệ Ban quản trị Hr Share - Mr Cường : Điện thoại: 0988833616 | Mail: tailieunhansu.com@gmail.com . Bạn muốn tìm kiếm thêm thông tin về các vấn đề Nhân sự. Vui lòng click tại đây để tìm kiếm thêm: http://kinhcan.net/ Đây là công cụ tìm kiếm được tích hợp tìm kiếm khoảng 30 site chuyên về nhân sự. Chi tiết vui lòng click tại đây: Kinhcan24′s Search; Blog Quản trị Nhân sự; Luận văn Quản trị Nhân sự


 
Find us on Google+