|
Chương 1: Tổng quan nghiên cứu về xuất khẩu lao động
1.1. Tính cấp thiết nghiên cứu của đề tài.
Việc làm luôn là vấn đề đáng quan tâm của đất nước ta nói riêng và của các nước trên thế giới nói chung. Đây một đề tài nóng hổi và hấp dẫn trong mọi thời kỳ phát triển của đất nước.
Có thể nhận thấy, nước ta về cơ bản là một nước nông nghiệp, đại bộ phận nhân dân sống ở nông thôn và làm nông nghiệp, đất ít người động, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm còn cao. Hàng năm thị trường lao động trong nước lại đón thêm 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động. Do đó, sức ép về việc làm là rất lớn. Đứng trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước ta đã xác định cùng với việc giải quyết việc làm trong nước là chính thì xuất khẩu lao động và chuyên gia là một chiến lược quan trọng trước mắt và lâu dài. Trong chỉ thị số 41/CT/TW ngày 22/9/1998 của Bộ chính trị ban hành đã chỉ rõ: Cùng với việc giải quyết việc làm trong nước là chính thì XKLĐ và chuyên gia là một chiến lược quan trọng, lâu dài và góp phần xây dựng đội ngũ lao động cho công cuộc xây dựng đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là bộ phận của hợp tác lao động quốc tế, góp phần củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu dài với các nước.
Hơn thập niên trở lại đây, cùng với sự phát triển của nền kinh tế đất nước, hoạt động XKLĐ cũng đã phát triển không ngừng, ngày càng có nhiều thành tựu đáng kể góp phần cùng với các ngành kinh tế khác tạo tiền đề để đất nước ta tiến lên trong thời kỳ CNH –HĐH. Bắt đầu từ ngày 1/7/2007, Luật đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (gọi tắt là Luật XKLĐ) có hiệu lực pháp luật và đi vào cuộc sống. Hoạt động XKLĐ dần đi vào đúng quỹ đạo của nó và đem lại nhiều kết quả tốt. Giải quyết việc làm cho hàng ngàn người lao động, giảm áp lực việc làm trong nước, tăng thu nhập cho người lao động và tăng nguồn thu cho NSNN… .
Tuy nhiên, vẫn còn có những hạn chế ảnh hưởng đến việc triển khai hoạt động này: Do còn quen với nếp sống của nền sản xuất vừa và nhỏ, người lao động chưa quen với tác phong sống công nghiệp, kỷ luật lao động chưa cao, chưa quen chấp nhận quan hệ chủ- thợ, và thường chỉ nghĩ đến lợi ích ngay trước mắt. Người lao động khi đi làm việc tại nước ngoài còn yếu về trình độ và kỹ năng làm việc, khả năng ngoại ngữ còn hạn chế… nên họ không đánh giá được đúng công việc và con người khi tham gia XKLĐ. Nhiều lao động đã coi việc đi lao động nước ngoài là thiên đường, họ không lường trước được các khó khăn ở nước sở tại, thậm chí có người lao động sau khi sang nước ngoài làm việc một thời gian thì hay bỏ trốn khỏi các doanh nghiệp để ra bên ngoài làm việc bất hợp pháp.
Tất cả những hạn chế này đã là rào cản cho sự phát triển của hoạt động XKLĐ, dẫn đến những ảnh hưởng tiêu cực không chỉ đối với người lao động, doanh nghiệp tham gia XKLĐ mà điều tệ hại hơn là làm mất uy tín, mất hình ảnh tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam.
Trong thời gian tới để phục vụ cho chiến lược việc làm quốc gia, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực đất nước thì hoạt động XKLĐ vẫn được chú trọng, số lượng lao động của nước ta ra nước ngoài làm việc vẫn sẽ tăng mạnh.
Vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để có thể hạn chế được những vấn đề đó, để XKLĐ thực sự là một hướng giải quyết việc làm cho người lao động hiệu quả nhất.
Đây thực sự là vấn đề cấp thiết hiện nay. Chúng ta muốn khai thác được hết các lợi ích mà XKLĐ mang lại thì đòi hỏi phải có một sự quan tâm đúng mức với các vấn đề trên.
Công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội là một công ty mới tham gia vào thị trường cung ứng lao động ra nước ngoài trong thời gian gần đây. Công ty đã bước đầu gặt hái được thành công trong lĩnh vực này. Song, cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu xảy ra làm cho công ty gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện kế hoạch XKLĐ của mình. Cụ thể là các vấn đề như tìm kiếm thị trường, tuyển chọn và đào tạo nguồn lao động có chất lượng, việc quản lý người lao động…Công ty đang cần tìm cho mình một hướng đi phù hợp để có thể thúc đẩy lĩnh vực này phát triển, làm sao có thể khai thác được các lợi ích mà XKLĐ đem lại cho công ty và cho NLĐ.
1.2. Xác lập và tuyên bố đề tài
Nhận thức được những lợi ích to lớn mà XKLĐ đem lại cho sự phát triển của đất nước nói chung và của công ty nói riêng, xuất phát từ quá trình nghiên cứu thực trạng hoạt động XKLĐ của công ty và xu hướng phát triển của hoạt động này trong bối cảnh chung của đất nước. Em đã lựa chọn đề tài luận văn của mình là “ Các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu lao động tại công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội”
Về mặt lý luận: Luận văn đã tập hợp và hệ thống hóa lý luận về XKLĐ. Đây là cơ sở tham khảo và vận dụng đối với các đề tài có liên quan.
Về mặt thực tiễn: Kết quả nghiên cứu của luận văn sẽ trở thành tài liệu tham khảo thiết thực và hữu ích cho công ty;
Về mặt giải pháp: Luận văn đưa ra các giải pháp cụ thể để thúc đẩy hoạt động XKLĐ của công ty HANIC được tốt hơn trong tương lai.
1.3 Mục tiêu nghiên cứu
- Hệ thống lại một số lý luận cơ bản về XKLĐ làm cơ sở cho phần phân tích thực trạng;
- Phân tích, đánh giá thực trạng vấn đề XKLĐ tại công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội.
- Đề xuất các giải pháp và đưa ra một số kiến nghị để thúc đẩy hoạt động XKLĐ tại công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội trong thời gian tới
1.4 Phạm vi, giới hạn nghiên cứu
Thời gian nghiên cứu: Trong thời gian từ 2007- đầu 2010. Tập trung chủ yếu là số liệu năm 2007- 2009.
Không gian: Tại công ty đầu tư tổng hợp Hà nội - Tầng 6 tòa nhà Viglacera, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, TP Hà Nội. Cụ thể ở Ban quản lý XKLĐ của công ty tại địa chỉ giao dịch của công ty: Nhà vườn B42- Nguyễn Thị Định, Trung hòa- Nhân chính, Hà nội.
Nội dung nghiên cứu: Bàn đến XKLĐ là rất rộng, bao gồm xuất khẩu lao động tại chỗ và XKLĐ trực tiếp ra nước ngoài. Phạm vi nghiên cứu của luận văn này chỉ đề cập đến Xuất khẩu lao động trực tiếp ra nước ngoài. Luận văn nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lý luận, thực tiễn của XKLĐ và các giải pháp nhằm thúc đẩy XKLĐ tại công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội trong thời gian tới.
1.5 Kết cấu luận văn tốt nghiệp.
Luận văn ngoài phần lời cảm ơn, danh mục bảng biểu, danh mục sơ đồ,hình vẽ, danh mục từ viết tắt, phụ lục, kết luận được kết cấu 4 chương.
Chương 1: Tổng quan nghiên cứu về xuất khẩu lao động.
Chương 2: Một số vấn đề lý luận cơ bản về xuất khẩu lao động.
Chương 3: Phương pháp nghiên cứu và các kết quả phân tích thực trạng xuất khẩu lao động tại công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội.
Chương 4: Các kết luận và đề xuất thúc đẩy xuất khẩu lao động tại công ty cổ phần đầu tư tổng hợp Hà Nội
Bạn muốn tìm kiếm thêm thông tin về các vấn đề Nhân sự. Vui lòng click tại đây để tìm kiếm thêm: http://kinhcan.net/ Đây là công cụ tìm kiếm được tích hợp tìm kiếm khoảng 30 site chuyên về nhân sự. Chi tiết vui lòng click tại đây: Kinhcan24′s Search